Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đẩy mạnh triển khai các Hoạt động thuộc Dự án 8 hướng tới nhóm Phụ nữ yếu thế
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cùng Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Thái Nguyên và TP. Sông Công cắt băng khai mạc hội chợ
Tham dự Lễ khai mạc Hội chợ có các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Dương Thị Ngọc Linh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TW Hội, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Lò Thị Thu Thủy, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam; Dương Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Mai Thị Thuý Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và lãnh đạo Hội Phụ nữ cơ sở; lãnh đạo tỉnh, thành, huyện Hội và hội viên PN tại TP và các đại bàn lân cận.
Hội chợ quy tụ 60 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp đến từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Thái Bình…và các vùng lân cận, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hội chợ được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu và một số đặc sản của tỉnh đến với người dân trong, ngoài tỉnh; góp phần hỗ trợ quảng bá sản phẩm của hội viện dân tộc thiểu số, từ đó khuyến khích các chị em mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hội chợ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương với những mặt hàng phong phú và đa đạng, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên nói riêng và vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tham quan gian hàng của chị Lý Thị Chiên tại Hội chợ
Từ huyện Định Hóa xuống thành phố Sông Công, Thái Nguyên để trưng bày sản phẩm tại Hội chợ, chị Lý Thị Chiên, chủ Noọng homestay hào hứng giới thiệu đặc sản của đồng bào dân tộc Tày tới khách tham quan. Là một người tâm huyết với văn hóa và ẩm thực dân tộc, chị đã thành lập mô hình HTX Noọng Homestay với mong muốn bảo tồn văn hóa và giới thiệu đặc trưng trong phong tục tập quán và ẩm thực của người Tày đến với du khách. Những sản phẩm chị mang đến Hội chợ đều mang đặc trưng riêng của dân tộc Tày như xôi ngũ sắc, cơm lam, măng rừng,…Chị cho biết mục đích chính khi đến hội chợ là giao lưu, kết nối và quảng bá mô hình. Trong buổi sáng khai mạc hội chợ, đã có rất nhiều khách hàng quan tâm và xin số liên hệ của homestay. Với chị đó là cơ hội không dễ gì có được và là sự thành công vượt ngoài kỳ vọng.
Nhân viên xã hội đã trực tiếp chia sẻ, tham vấn tại các quầy tham vấn di động cho chị em phụ nữ tham dự Hội thảo
Bên cạnh hoạt động Hội chợ, CWD đã tổ chức Hội thảo Kết nối mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán trở về với hai chuyên đề: Tổng quan về tình hình và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ bị mua bán, di cư hồi hương và Kết nối mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ yếu thế, có nguy cơ cao bị mua bán trở về trong 02 ngày 21-22/10/2022. Đ/c Lò Thị Thu Thủy đã chia sẻ về vấn đề Thúc đẩy BĐG và một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng DTTS và MN thông qua các mô hình, hoạt động của DA8 thuộc Chương trình MTQG DTTS và MN tại Hội thảo. Các đại diện cơ quan, tổ chức đã trình bày về Tình hình mua bán người tại Việt Nam và các yếu tố kéo đẩy; Công tác hỗ trợ và phối hợp của địa phương trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người và người di cư dễ bị tổn thương; giới thiệu hoạt động Ngôi nhà Bình yên trong hỗ trợ nhóm PN, trẻ em yếu thế; và chia sẻ những mô hình, cơ hội hợp tác trong hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế.
Bà Lò Thị Thu Thủy, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề Thúc đẩy BĐG và một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng DTTS và MN thông qua các mô hình, hoạt động của DA8 thuộc Chương trình MTQG DTTS và MN
Đồng thời, hội thảo diễn ra phiên thảo luận của các đại biểu đại diện Hội LHPN các cấp, sở ban ngành địa phương và nhóm phụ nữ yếu thế về những khoảng trống trong hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về và các giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông và cơ chế phối hợp. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến, đề xuất cho các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao, trong đó có:
- Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng hình thức hội thảo, tập huấn đến các địa phương để phụ nữ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ
- Xây dựng các chương trình, mô hình hợp tác, tạo cơ hội hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ tại địa phương
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ cho phụ nữ là nạn nhân mua bán trở về/ nhóm di cư dễ bị tổn thương giúp họ tái hòa nhập bền vững và an toàn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo, các Tổ chức quốc tế và gần 50 chị em phụ nữ là hội viên, phụ nữ yếu thế của tỉnh Thái Nguyên tích cực bàn bạc, thảo luận về cơ chế phối hợp, thiết lập mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho nhóm phụ nữ yếu thế, bao gồm phụ nữ bị mua bán trở về.
Đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển trong việc triển khai các hoạt động thuộc Dự án 8 và chào mừng Kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận gần hơn với các chương trình mục tiêu quốc gia, có thêm thông tin về tình hình mua bán người, di cư mất an toàn và đặc biệt là kết nối mạng lưới để phát triển, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động Hội chợ, xây cơ chế phối hợp, góp phần thiết lập mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho nhóm phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm nhóm phụ nữ yếu thế là phụ nữ bị mua bán trở về.