Đồng hành cùng sự phát triển của Phụ nữ

Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển

    Ngày 1/7/ 2002, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-ĐCT thành lập Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD). Với sự đầu tư của Chính phủ, một công trình 14 tầng – nhiều công năng sử dụng tọa lạc tại 20 Thụy Khuê, Hà Nội đã được thiết kế, xây dựng và hoàn thiện đưa vào sử dụng, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của Phụ nữ Việt Nam. Năm 2007 toàn bộ công trình tòa nhà với 3 khu A, B, C  đã được hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt. Ngay khi đưa vào sử dụng Trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; cung cấp các dịch vụ kinh doanh, dạy nghề hỗ trợ sự phát triển về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực và thẩm mĩ của phụ nữ Việt Nam.

    Theo thời gian, với sự trợ giúp về tài chính và kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế: Cơ quan hợp tác phát  triển Tây Ban Nha (AECID), Ủy ban y tế Hà Lan (MCNV), Quỹ nhi đồng Liên hợp  (UNICEF),... CWD từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động và thực hiện thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ thiết yếu. Đến nay mô hình Ngôi nhà Bình yên (PHS) – hỗ trợ toàn diện, miễn phí cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới (mua bán, bạo lực, xâm hại...); Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 và phòng tham vấn là những thành công nổi bật của CWD, được Chính phủ và các tổ chức trong nước, quốc tế ghi nhận. CWD đã nhân rộng hoạt động ở một số tỉnh (như tại Hải Phòng, Cần Thơ, Đắk Nông) và trở thành tổ chức uy tín cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu về mọi mặt của phụ nữ, như tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, kiến thức cho phụ nữ, đặc biệt cho nhóm phụ nữ yếu thế, thiệt thòi; tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; tổ chức tư vấn luật pháp chính sách, tham vấn quyền của phụ nữ, hôn nhân gia đình, giới...

Cùng tìm hiểu từng giai đoạn hình thành và phát triển của CWD:

GIAI ĐOẠN 1 (2002 – 2006)

XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VỮNG CHẮC

        Ngày 1/7/ 2002 Hội LHPN Việt Nam ban hành Quyết định số 220/QĐ-ĐCT thành lập Trung tâm Phụ nữ và Phát triển căn cứ Thông báo số 01/TB-VPCP của Thủ Tường Chính Phủ. Ngay khi được thành lập, CWD tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất để trở thành nơi thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ, như: dạy nghề, đào tạo, cung cấp thông tin, các dịch vụ hỗ trợ phát triển cho phụ nữ. Với sự quyết tâm cao và miệt mài làm việc của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, tòa nhà với 3 khối cao 14 tầng đẹp và hiện đại đã hoàn thành, là cơ sở để CWD đưa các dịch vụ kinh doanh, xã hội vào thực hiện.

GIAI ĐOẠN 2 (2007 – 2016)

HOÀN THIỆN MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG

        Năm 2007 CWD chính thức đưa tòa nhà 14 tầng vừa xây dựng vào sử dụng. CWD vận hành với bộ máy tổ chức riêng, có con dấu, tài khoản riêng và có các cán bộ chuyên trách hoạt động trên các mảng hoạt động khác nhau. Trong giai đoạn này CWD từng bước xây dựng và mở rộng các lĩnh vực hoạt động của mình, từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, hội nghị hội thảo đến các dịch vụ xã hội hỗ trợ các nhu cầu của phụ nữ như Nhà Bình Yên, dạy nghề, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp/kinh doanh, đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp thông tin cho phụ nữ.

        Năm 2007, CWD vinh dự được đón Tổng thống Chi-lê Michelle Bachelet tới thăm và tham dự một trong những hội nghị đầu tiên của Hội tổ chức tại CWD. Đây được coi như là sự kiện mở màn cho các sự kiện chính trị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại địa điểm 20 Thụy Khuê.

        Cũng trong tháng 3 năm 2007, CWD đã khởi động vận hành thí điểm mô hình nhà tạm lánh đầu tiên ở Việt Nam, hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị mua bán trở về. Tháng 4/2007, CWD đón những nạn nhân đầu tiên về nhà tạm lánh. Đây là tiền thân của Ngôi nhà Bình yên (PHS) hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới của CWD sau này. Thành công của nhà tạm lánh đã giúp cho nhiều phụ nữ được hỗ trợ, tái hòa nhâp với cuộc sống và trở thành mô hình thành công về cung cấp các dịch vụ thiết yếu về can thiệp khủng hoảng và hỗ trợ phụ nữ yếu thế thiệt thòi của Hội. Từ mô hình này CWD đã nhân rộng Ngôi nhà Bình yên vệ tinh tại Phú Thọ vào ngày 19/9/2009.

        2011: CWD thành lập Vườn trẻ Hương Sen để đón nhận, chăm sóc con em của các chị em bị buôn bán, bị bạo lực, trẻ khó tái hòa nhập, tạo điều kiện phát triển và môi trường hòa nhập cho trẻ với cộng đồng.

        2013-2014: Đề án thành lập Trung tâm Thông tin và Tham vấn cho Phụ nữ đã được Đoàn Chủ tịch TW Hội phê duyệt ( Tháng 11/2013) và đưa vào vận hành (Tháng 4/2014) nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho phụ nữ trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển trên toàn cầu.

GIAI ĐOẠN 3 (2017 – NAY)

MỞ RỘNG, PHÁT TRIỂN VÀ VÀ KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ

        Nỗ lực khai thác sử dụng và từng bước hoàn thiện chất lượng nghiệp vụ, với công suất phục vụ các dịch vụ kinh doanh đạt bình quân là trên 122.000 lượt khách hàng/năm, CWD đã phục vụ hàng trăm sự kiện quan trọng trong và ngoài nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng là các bộ/ban/ngành, các tổ chức quốc tế, các công ty và các cá nhân trong cộng đồng. Kết quả kinh doanh hàng năm đều có doanh thu tăng trưởng, chất lượng dịch vụ dần được hoàn thiện, được khách hàng biết đến ngày càng nhiều với ấn tượng đây là đơn vị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có thái độ phục vụ tận tình, chu đáo. Bên cạnh đó thành công của các mô hình và dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em đã dần được khẳng định và đòi hỏi phải nhân rộng để phục vụ các nhu cầu đa dạng của phụ nữ trên mọi miền của tổ quốc.

Năm 2017: Hội đã quyết định sáp nhập Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc CWD. Đặc biệt, trong năm 2017, CWD đã vận hành tổng đài Hỗ trợ phụ nữ 1900969680 cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp và can thiệp khủng hoảng 24/7 cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới.

Năm 2018: CWD mở rộng Ngôi nhà Bình yên (PHS) tại Cần Thơ để hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực và buôn bán ở khu vực phía Nam.

Năm 2019: Hội đã sáp nhập thêm Trung tâm dạy nghề Đắk Nông vào CWD với mục tiêu mở rộng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tại khu vực Tây Nguyên.

        Trước các nhu cầu đa dạng của chị em phụ nữ trong thời kỳ hội nhập và phát triển theo xu thế toàn cầu hóa, CWD đã học hỏi và triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức bằng các mô hình mới như: Chương trình truyền thông Bữa sáng Ruy băng trắng - gắn kết nam giới trong phòng chống bạo lực đối với Phụ nữ; diễn đàn Ngày Thứ Sáu - cung cấp thông tin đa dạng cho phụ nữ đáp ứng nhu cầu cuộc sống; điểm Hỗ trợ và giới thiệu sản phẩm do phụ nữ Việt sản xuất; dịch vụ  tham vấn qua tổng đài và tham vấn học đường; gian hàng từ thiện Peaceshop - gây quỹ hỗ trợ phụ nữ bị mua bán và bạo lực gia đình...